Hôm nay là mùng 10 tháng giêng nhâm Thìn, những ngày tết đã qua nhưng nhiều người vẫn còn ăn tết theo cách nghĩ lạc hậu “Tháng giêng là thán...
Hôm nay là mùng 10 tháng giêng nhâm Thìn, những ngày tết đã qua nhưng nhiều người vẫn còn ăn tết theo cách nghĩ lạc hậu “Tháng giêng là tháng ăn chơi”. Tại nhiều khu xóm lao động và vùng nông thôn, chuyện nhậu nhẹt, cờ bạc, đá gà vẫn chưa dứt.
(Rác xả bừa bãi dọc đường lên đỉnh núi Bà Rá, Bình Phước. Ảnh: T.Phúc)
Bói toán, cờ bạc tràn lan
Trong những năm gần đây, sau tết nhiều người rủ nhau đi tìm “thầy” để xem tình duyên, gia đạo, vận mệnh trong năm mới. Ngay tại các cơ quan nhà nước, cũng có không ít công chức kéo nhau đi xem bói. Người ta kháo với nhau “thầy” này đoán hậu vận linh nghiệm, “thầy” kia giúp giải hạn đại tài. Trong khi đó, các loại sách tử vi, bói toán được tung ra tràn lan, được phát hành bằng mạng lưới bán sách lưu động tại các bến tàu xe và các sạp quanh các chùa lớn.
Tại TPHCM, quanh các chùa Vĩnh Nghiêm, Phổ Quang, Việt Nam Quốc Tự… có rất đông người bán sách bói toán. Họ bê chiếc thùng xốp bày bán đủ thứ sách bói toán như: Giải mã bí ẩn giấc chiêm bao, Chỉ tay và số mệnh cuộc đời, Vận mệnh qua nốt ruồi… Khi được hỏi về nguồn gốc sách, người bán đều không ngại ngần cho biết: “Ngoài một số sách in lậu, cũng có không ít sách có giấy phép xuất bản, chúng tôi mua lại từ các nhà sách ở TPHCM, có sách mang từ Hà Nội vào”. Giá các loại sách này khoảng 20.000 - 100.000 đồng/cuốn.
Bán chạy nhất là các tờ rơi in photocopy đoán vận mạng theo tuổi giá 3.000 đồng/tờ. Bà Tình bán sách ở gần chùa Vĩnh Nghiêm kể: “Loại tờ rơi này rất dễ bán vì người già và cả thanh niên cũng tìm mua, nhưng tôi chỉ dám bày ít, bán hết mới lấy xấp khác ra, vì nếu chẳng may bị tịch thu cũng ít bị thiệt”.
Tháng giêng là mùa lễ hội, tham gia lễ hội là nhu cầu chính đáng, nhưng tại không ít lễ hội đang diễn ra nhiều hoạt động “ăn theo” kém văn hóa như bói toán, cờ bạc… để móc túi du khách. Đến chiều 31-1, quanh khu vực chùa Nổi (xã Tân Lập, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An) và quanh khu vực chùa Tổ (xã Bình Hàng Trung, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) vẫn còn diễn ra nhộn nhịp cảnh bói toán, đánh bài, đá gà ăn tiền.
Theo ghi nhận của phóng viên, năm nay ở ĐBSCL chuyện đổ qua các sòng bài bên kia biên giới Campuchia để đánh bạc đã giảm hẳn, nguyên nhân là người ta đã biết kinh sợ khi thấy đã có nhiều người trắng tay và có người thua bạc bị xã hội đen bắt làm con tin. Tuy nhiên, thay vào đó, những người có máu cờ bạc lại sa vào nạn cá độ đá gà. Tại xóm Bà Chi (xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) từ trước tết đến giờ vẫn đắm trong cảnh “nhà nhà đá gà” nhưng chưa thấy chính quyền và công an địa phương chấn chỉnh, ngăn chặn.
Tại khu vực giáp ranh giữa xã An Vĩnh Ngãi (TP Tân An, huyện Long An) và xã Trung Hòa (huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) có một tụ điểm tổ chức đá gà quy mô lớn đã hoạt động từ nhiều năm qua, trong 3 tuần càng hoạt động ì xéo hơn, mỗi ngày đá chừng 20 độ, mỗi độ 15 - 20 triệu đồng, vậy mà không thấy địa phương ra tay xử lý.
Tại chùa Nam Thiên Nhất Trụ, nhang bỏ ra chất thành đống lớn. Ảnh: T.N.Quỳnh
Đừng quên văn hóa lễ hội
Bạn đọc Nguyễn Sỹ Đông ở phường Hiệp Bình Phước (quận Thủ Đức, TPHCM) băn khoăn: “Một điều đáng buồn hiện nay là có một bộ phận không nhỏ người đi lễ đền chùa với tâm lý lấy vật chất làm thước đo lòng thành. Dù các chùa đã khuyến cáo không đốt vàng mã quá nhiều, mỗi người chỉ cần một thẻ nhang nhưng hầu hết khách hành hương đều đốt cả bó nhang và nhiều hàng mã để tỏ lòng thành của mình. Tại chùa Nam Thiên Nhất Trụ (quận Thủ Đức, TPHCM), tôi chứng kiến cảnh nhà chùa phải lấy nhang bỏ ra chất thành đống lớn cho đỡ ngộp. Việc đốt nhang và hàng mã tràn lan không chỉ lãng phí mà còn làm môi trường xung quanh cũng bị ảnh hưởng bởi khói bụi, tàn tro”.
Khi tham dự các lễ hội, nhiều người vẫn hay phàn nàn về nạn chèo kéo khách, công tác tổ chức và chất lượng phục vụ kém. Tuy nhiên, ngay những người đi trẩy hội cũng có không ít hành vi làm cho các lễ hội mất đi nét văn hóa như chen lấn và xả rác bừa bãi.
Bạn đọc Ôn Phúc Linh kể: “Vừa rồi, tôi có dịp tham quan khu di tích núi Bà Rá (thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước). Trước cảnh thiên nhiên hùng vĩ, tôi thật sốc khi chứng kiến rác tràn ngập khu di tích này. Dọc từ chân núi lên đến đỉnh, đâu đâu cũng có túi ni lông, hộp xốp, vỏ chai nước, vỏ trái cây… nằm vương vãi. Khuôn viên ngôi chùa nhỏ nằm trên đỉnh núi cũng chung số phận. Mặc kệ những tấm bảng nhắc giữ gìn vệ sinh chung và những chiếc thùng rác nằm gần đó, người ta thản nhiên ăn uống rồi tiện tay quăng bừa những thứ cần bỏ đi. Xả rác bừa bãi gần như đã trở thành hành vi đương nhiên tại các lễ hội”.
Việc các lễ hội diễn ra tràn lan sau tết gây lãng phí đang là vấn đề nóng trong những ngày đầu xuân. Do vậy các địa phương cần rà soát lại toàn bộ các lễ hội vừa và nhỏ để xem xét hạn chế những hoạt động kém văn hóa. Bạn đọc Nguyễn Đước ở quận 5, TPHCM, bức xúc: “Tết năm nào các báo đài cũng phản ánh tình trạng cán bộ nhà nước sử dụng xe công để du lịch, dự lễ hội, đưa gia đình về thăm quê, đi lễ chùa để cầu tài cầu lộc. Năm nay hiện tượng này có giảm nhưng vẫn chưa dứt. Đây là hành vi lạm dụng tài sản công vào mục đích riêng cho nhu cầu cá nhân và gia đình. Để chấn chỉnh việc này, đã có những quy định về việc xử lý nghiêm thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân vi phạm trong việc sử dụng xe công vào mục đích riêng, thế nhưng nhiều cơ quan, đơn vị và cá nhân vẫn cố tình vi phạm.
Mới đây dư luận rất hoan nghênh việc Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận gửi thư cảm ơn, khen ngợi người dân đã viết thư phản ánh việc nhiều lần chứng kiến một số cán bộ tỉnh đã lạm dụng xe công vào việc riêng. Để hạn chế đến mức thấp nhất, tiến tới chấm dứt tình trạng lạm dụng xe công vào việc riêng, từng cơ quan, đơn vị phải có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn, có trách nhiệm hơn. Từng cán bộ cần đề cao ý thức gương mẫu, không tự cho phép mình lạm dụng tài sản công”.
Phóng viên SGGP
BÌNH LUẬN