công việc của các tăng sĩ và bậc đạo sư
Hồng Hoà Vi có nhiều bạn bè tuy không theo đạo Phật nhưng trong nhà thờ ông bà cha mẹ rồi cũng có bàn thờ Phật. Gặp nhau trao đổi cũng có người biết HHV thường đi chùa vào mỗi CN, lâu lâu lễ lược lại vắng mặt vài ngày, thậm chí ăn chay trong vài lễ cưới thì cũng ngạc nhiên hỏi thăm chuyện đạo chuyện đời.
Một trong những việc hay được đem ra hỏi thăm là: “Người tăng sĩ làm việc gì? Vì sao mình làm mồ hôi nước mắt mà đi cúng chùa làm chi, sao không dùng số tiền đó để làm việc từ thiện?”
Thường thì HHV cười trừ vì nếu giải thích ra thì nó hơi dài dòng mà chưa chắc người ta chịu hiểu. Câu hỏi này có liên quan đến việc bố thí, cúng dường và chuyện con cá với cây cần câu…
Nếu như bạn có một khoản tiền đầu tư bạn sẽ đầu tư vào đâu? Bạn phải đầu tư vào một kênh nào đó có lãi (càng nhiều càng tốt) và nơi bạn có thể tin tưởng không ăn quỵt tiền của bạn.
Như vậy nếu muốn số tiền mồ hôi nước mắt của mình có thể được sử dụng hiệu quả nhất thì bạn nên “đầu tư” cho một ngôi chùa nào đó để những vị tăng sĩ có điều kiện làm công việc của mình một cách tốt nhất.
Nhiều bạn học kinh tế cho rằng cách làm từ thiện để có được phước báu hiệu quả nhất không phải là cúng dường mà là tạo công ăn việc làm cho những người khốn khổ đó để họ có thể tự nuôi sống bản thân. Chúng ta không lạ gì câu chuyện con cá và chiếc cần câu. Cho người ăn mày khốn khổ một con cá ông sống được một ngày nhưng cho chiếc cần câu ông sẽ sống được nhiều năm.
Nếu chiếc cần câu bị gãy thì sao? Hoặc nếu bản thân người khốn khổ kia thực sự chỉ muốn có cá mà không muốn đi câu thì sao?
Điều quan trọng nhất trong cuộc đời không phải là chiếc cần câu, điều quan trọng nhất là tự ý thức rằng lao động sẽ đem đến cơm no áo ấm. Thay đổi nhận thức bản thân là việc không phải dễ dàng việc giúp một người tự nhận thức và tin tưởng vào điều gì đó lại càng vô cùng khó khăn. Giúp một người tự nhận thức không chỉ là nghệ thuật mà là một cuộc chiến trong đó chính kẻ cho cũng đau đớn không kém người nhận.
Nhưng nếu người khốn khổ kia “thức tỉnh” tự nhận thức được giá trị của lao động thì hãy tin rằng trong suốt phần đời còn lại ông sẽ lao động không ngừng nghỉ với một niềm tin tưởng sắt đá vào hạnh phúc tương lai. Ông không chỉ lao động trong mọi hoàn cảnh, bằng mọi phương tiện mà còn khuyến khích người khác lao động như ông. Ông sẽ đem ý tưởng về những giá trị lao động kia truyền lại cho con cái của ông. Ý tưởng về giá trị lao động sẽ được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và từ đời này sang đời khác.
Cách làm này mới chính là cách làm từ thiện đem lại giá trị đích thực cho xã hội và hiển nhiên mang lại phước báu vô song người hiến tặng.
Gieo một hạt thóc nếu đủ duyên ta sẽ có một cánh đồng lúa chính. Gieo một ý tưởng thứ ta có được là không thể nghĩ bàn. Vậy nếu là người khôn ngoan hãy đầu tư vào nơi sinh lãi nhiều nhất và để những bậc đạo sư làm công việc gieo trồng của họ.
Hồng Hoà Vi
BÌNH LUẬN