Thời khắc lâm chung là quan trọng nhất bởi thần thức mỗi người đều không giống nhau. Khi đó trợ niệm sẽ giúp họ sinh khởi chính niệm và có t...
Thời khắc lâm chung là quan trọng nhất bởi thần thức mỗi người đều không giống nhau. Khi đó trợ niệm sẽ giúp họ sinh khởi chính niệm và có thể được vãng sinh về Tây phương cực lạc.
Trợ niệm giúp một người thành Phật
Hàng ngày, người được trợ niệm có công phu niệm Phật, tức là có chủng tử Phật (hạt giống Phật - PV). Khi họ lâm chung thì lực lượng của chủng tử Phật lớn thì sẽ xuất hiện trước và họ liền được Phật tiếp dẫn vãng sinh về Tây phương.
Nếu lực lượng này nhỏ yếu không xuất hiện nổi, nhờ có người khác ở bên cạnh trợ niệm thì chủng tử này sẽ dễ dàng xuất hiện.
Theo Pháp sư Tịnh Không (Đài Loan), nếu nghiệp ác nhiều, lực lượng của chủng tử ác sẽ lớn nhất, một khi chúng vừa xông ra liền đưa người chết xuống tam ác đạo (địa ngục, ngã quỷ, súc sinh - PV). Ngược lại, nghiệp thiện nhiều, chủng tử thiện sẽ dẫn ta lên hai cõi trời và người.
Pháp sư Tịnh Không: “Trợ niệm tức là giúp một người thành Phật”.
Người Phật tử, bất luận trong lúc bình thường tụng bao nhiêu kinh, niệm bao nhiêu câu chú, khi lâm chung muốn chủng tử Phật xuất hiện thì duy nhất chỉ có 4 chữ "A Di Đà Phật" mới hữu dụng.
Còn đối với người chưa niệm Phật thuần thục thì thường ngày, tín tâm và nguyện tâm lúc có, lúc không. Do đó, khi lâm chung rất dễ bị mê lầm và tham luyến tình thâm, tài sản sự nghiệp. Cho nên khi lâm chung phải có ban niệm Phật giúp họ cảnh tỉnh.
Khi nghe được câu niệm Phật, họ cũng sẽ nghĩ đến Đức Phật A Di Đà và họ sẽ rất may mắn được vãng sinh. Khi lâm chung muốn thật sự buông bỏ thì nhất định phải nhờ vào sự trợ giúp của ban trợ niệm này.
“Niệm Phật khi lâm chung thấy Phật đến tiếp dẫn nhưng phải có sức công phu mới được. Nếu không có sức công phu thì khi lâm chung vẫn có một số oán thân trái chủ hiện ra. Chính vì duyên cớ này việc trợ niệm cho người lâm chung rất là quan trọng” - Pháp sư Tịnh Không khẳng định.
Cũng theo Pháp sư Tịnh Không thì việc trợ niệm là giúp một người vãng sinh sang thế giới Cực Lạc. Chính là làm Phật hay nói một cách khác trợ niệm tức là giúp một người thành Phật.
Người đi trợ niệm không được... nhận tiền
Trong việc đi trợ niệm cho người lâm chung, người trợ niệm phải tự mình đem cơm theo, không được làm phiền tang chủ. Có thể uống trà nước của họ nhưng tuyệt đối không bao giờ được nhận tiền.
“Nếu nhận tiền thì tâm sẽ không tập trung, không thành tâm để niệm, lúc đó việc trợ niệm sẽ biến thành việc mua bán. Đây là điều phá hoại Phật pháp. Ngay đến việc nhận quà cũng không được. Người tại gia đi trợ niệm, lấy tiền tức là tạo tội và nghiệp” - Pháp sư Tịnh Không khẳng định.
Niệm danh hiệu Phật A Di Đà, nhằm giúp cho thần thức vong linh hướng về Phật pháp, nhớ nghĩ các điều thiện lành và xả ly tham dục, để sớm được vãng sanh.
Khi đi trợ niệm, ban trợ niệm phải mang theo các đồ như một bức tượng Phật lớn, một lư hương, một hoặc hai cái khánh, một cặp đèn cầy, nhang, một chén đựng nước... bất luận trong nhà của tang chủ có hay không.
Cũng theo Pháp sư Tịnh Không, trong phòng người bệnh, ban hộ niệm phải có thái độ thành khẩn, lời nói ôn hòa. Đặc biệt là nên ôn lại và tán thán những việc lành mà bình thường người bệnh đã tạo, khiến cho tâm họ phát khởi sự hoan hỷ.
Sau đó hãy nói về công đức và 48 lời nguyện của Phật A Di Ðà, cùng cõi Cực Lạc vui sướng, làm cho người bệnh sinh vui mừng và phát khởi chánh tín cầu sinh Tây phương.
Lúc không trợ niệm thì ngồi một chỗ nghỉ ngơi, không làm việc gì cả. Khi hộ niệm thì dốc hết tâm vào câu Phật hiệu.
“Trong vòng 12 tiếng đồng hồ không được động đậy đến thể xác, không được thay áo quần hay sờ vào. Bất cứ người nào cũng không được đụng vào. Phải chờ sau thời gian hộ niệm mới được đụng vào thể xác. Nếu thấy thân xác bị cứng, chỉ cần dùng nước nóng đắp lên là được” - Pháp sư Tịnh Không chỉ dạy.
Lúc trợ niệm hoặc niệm 4 chữ “A Di Ðà Phật” hoặc niệm 6 chữ “Nam mô A Di Ðà Phật”. Cần phải niệm rõ ràng, làm cho tâm người bệnh quay về an trú trong câu niệm Phật, luôn luôn thấy rõ hết thảy sự việc và luôn chánh niệm.
Trợ niệm đến đây có thể tạm dừng, niệm bài văn hồi hướng rồi đảnh lễ là xong. Trưởng ban nếu có mền “chú đà la ni” thì tặng cho họ một tấm, cho một gói “quang minh chú sa”. Sau đó có thể ra về, không phải bận tâm nữa.
Bùi Hiền – Theo bee.net.vn
BÌNH LUẬN