Khu vực Sanchi ở bang Madhya Pradesh, Ấn Độ là một trong những quần thể di tích Phật giáo nổi tiếng với các ngôi tháp, các ngôi chùa và các ...
Khu vực Sanchi ở bang Madhya Pradesh, Ấn Độ là một trong những quần thể di tích Phật giáo nổi tiếng với các ngôi tháp, các ngôi chùa và các tu viện lớn. Riêng ngôi đại tháp Sanchi được xem là một trong những di tích nghệ thuật Phật giáo vĩ đại và lâu đời nhất ở Ấn Độ.
Đại tháp Sanchi có kết cấu vô cùng vững chắc
Ngôi tháp Sanchi lúc đầu chỉ là một gò đất nhỏ, nhưng sau đó đã trở thành một công trình kiến trúc mang tính biểu tượng. Công trình kiến trúc này do vua A-dục xây dựng. Vua A-dục vốn là một bạo chúa, thường dẫn quân đi chinh phục các nước chư hầu, nhưng sau đó vua tỉnh ngộ và quy y Tam bảo, trở thành một vị minh quân hiền đức, vận dụng giáo pháp của Phật vào trong việc trị nước an dân.
Để bày tỏ lòng biết ơn đối với Tam bảo, nhất là với Đức Phật, nhà vua đã phát nguyện chiêm bái những nơi Đức Phật từng đặt chân đến và cho xây dựng các ngôi tháp để tưởng niệm, tôn thờ xá-lợi Ngài. Vua đã xây dựng hơn 84.000 ngôi tháp ở khắp nơi trên đất nước Ấn Độ. Tháp Sanchi là một trong những ngôi tháp ấy.
Tháp Sanchi tiếp tục được bổ sung, mở rộng dưới thời trị vì của các vị vua kế vị thuộc triều đại Maurya. Những cái cổng nguy nga của ngôi tháp, cùng hình ảnh của Đức Phật đã được các vị vua kế tiếp sau đó xây dựng, rồi các tu viện và các điện Phật đã được xây dựng thêm trong khu vực. Trải qua thời gian, nhiều công trình kiến trúc bị hư hại và hoang phế. Các di tích ở Sanchi bị lãng quên cho đến khi được ông Tyler, người Anh, phát hiện vào năm 1818. Khi ấy quần thể di tích ở Sanchi thì khu vực này đã bị lãng quên hơn 600 năm.
Trong số những ngôi chùa, tháp ở Sanchi, nổi tiếng nhất và tinh tế nhất là ngôi đại tháp. Ngôi đại tháp Sanchi có kết cấu vô cùng vững chắc, với cấu trúc những viên gạch cổ và nhỏ xây ở bên trong. Bao bọc lớp gạch cổ ấy là một lớp gạch khác và bề mặt của ngôi tháp được gắn hoàn toàn bằng đá. Ngay trên đỉnh tháp là những phiến đá được gắn thành hình một cái tàng lớn có ba tầng.
Một trong những cổng đi vào Đại tháp Sanchi
Sự tinh xảo của nghệ thuật Phật giáo Ấn Độ
Bảo tháp này là một phần của khu phức hợp gồm những công trình kiến trúc được dựng lên để phụng thờ xá-lợi Phật và các vị thánh đệ tử của Ngài. Các ngôi bảo tháp thường được xây dựng trên một bệ vuông, và được bố trí cẩn trọng để các góc cạnh của ngôi tháp trùng khớp với bốn phương hướng của la bàn.
Bảo cái trên đỉnh tháp với ba tầng khác nhau, tầng này nối tiếp theo tầng kia, dọc theo cái trục nhô lên từ khu vực cao nhất của ngôi tháp. Những tầng ấy biểu trưng cho hệ thống cấp bậc ở thiên giới.
Khu vực sườn đồi tại Sanchi rải rác nhiều bảo tháp lớn và nhỏ. Riêng ngôi đại tháp Sanchi là ngôi tháp có cấu trúc bằng đá lâu đời nhất ở Ấn Độ, được vua A-dục xây dựng vào thế kỷ thứ III trước Tây lịch.
Những cái cổng đi vào ngôi đại tháp Sanchi rất đặc biệt, chúng được điêu khắc và chạm trổ các hình ảnh, các hoạt cảnh diễn tả về cuộc đời Đức Phật và những tiền thân của Phật một cách vô cùng tinh xảo.
Có bốn cái cổng lớn được xây dựng ở bốn hướng chính vào năm 35 trước Tây lịch, là công trình tuyệt vời nhất về sự diễn tả đạo Phật trong lĩnh vực kiến trúc. Có thể nói rằng, những ngôi tháp Phật giáo ở Sanchi là những thành tựu nghệ thuật, không bị thách thức bởi thời gian.
Trụ đá A-dục cũng là một trong những di tích đáng chú ý ở Sanchi. Nó là một trong những trụ đá được vua A-dục dựng rải rác trong lục địa Ấn Độ. Phần đầu của trụ đá có bốn con sư tử đứng quay lưng lại với nhau. Và hình ảnh bốn con sư tử như thế đã được lấy làm quốc huy của đất nước Ấn Độ.
Những trụ đá A-dục là một ví dụ tuyệt vời về phong cách Phật giáo Hy Lạp và được biết đến với tỷ lệ thẩm mỹ và sự cân bằng cấu trúc tinh tế. Người ta thừa nhận rằng, kiến trúc ở Sanchi là một công trình kiến trúc được xây dựng có tổ chức nhất và tạo dấu ấn quan trọng về kỹ thuật xây dựng chùa tháp trong thời kỳ trung cổ.
Các bức điêu khắc ở đây được thực hiện với độ chính xác của những trang sức. Sanchi chính là cung điện của các ngôi tháp và những trụ đá. Những cái cổng tuyệt đẹp đã tôn thêm ân sủng cho khu vực. Đây là khu di tích Phật giáo sắc sảo và hấp dẫn nhất ở Ấn Độ.
Đến nay, người ta vẫn chưa biết chính xác lý do tại sao khu vực này lại được lựa chọn như là một trung tâm của Phật giáo. Vì rõ ràng là dù thế nào đi nữa thì nó cũng không có sự liên hệ trực tiếp nào đến cuộc đời của Đức Phật.
Một góc Sanchi
Lý do mà Sanchi vẫn còn hoạt động trong hơn mười thế kỷ có thể là vì nó nằm gần Vidisha, một trung tâm thương mại phát triển mạnh. Chúng ta được biết rằng các thương gia giàu có và những nhà đàn việt từ Vidisha đã hỗ trợ cho sinh hoạt tôn giáo và quá trình xây dựng ở Sanchi. Cũng có thuyết nói rằng, vùng Vidisha là quê hương của hoàng hậu Devi, vợ của hoàng đế A-dục, cho nên vua muốn vinh danh khu vực ấy bằng cách xây dựng nó thành trung tâm Phật giáo quan trọng. Cũng từ Sanchi mà thái tử Mahinda, con trai của vua A-dục, đã dẫn đầu đoàn truyền bá Phật giáo, đại diện cho hoàng gia, mang thông điệp của Đức Phật đến Sri Lanka.
Ngôi đại tháp trên đỉnh đồi ở Sanchi đã đứng vững như một ngọn hải đăng của Phật giáo từ thế kỷ thứ III trước Tây lịch. Vào năm 1989, UNESCO đã chính thức công nhận quần thể chùa, tháp và trụ đá ở Sanchi là di sản văn hóa của thế giới.
Sanchi thuộc bang Madhya Pradesh, miền Trung Ấn Độ. Để đến thăm khu di tích Sanchi, du khách nên đến Bhopal, thủ phủ của bang Madhya Pradesh, có thể đến bằng đường hàng không, đường sắt hoặc đường bộ. Sân bay Bhopal được kết nối với tất cả các thành phố lớn của Ấn Độ với một hệ thống các chuyến bay uy tín.
Từ sân bay Bhopal, du khách đi một trong hai hành trình là đường sắt, hoặc đường bộ để đến Sanchi, quãng đường dài khoảng 46km. Ga xe lửa gần nhất của Sanchi là Vidisha, cách khoảng 10km. Có một hệ thống đường sắt tốt kết nối Sanchi với Bhopal, và từ đó tiếp tục kết nối với các thành phố lớn của Ấn Độ. Đến Sanchi, ngoài việc viếng thăm khu di tích Sanchi, du khách còn có thể thăm Viện Bảo tàng Sanchi, hoặc đi mua sắm. Thời điểm tốt nhất để đến Sanchi là vào khoảng từ tháng Mười một đến tháng Hai trong năm.
Minh Phú
BÌNH LUẬN