Khu vườn Wat Xiengkuane rộng lớn với hàng trăm bức tượng phủ màu thời gian rêu phong đầy vẻ trầm mặc, huyền bí đã khiến chúng tôi lạc bước...
Khu vườn Wat Xiengkuane rộng lớn với hàng trăm bức tượng phủ màu thời gian rêu phong đầy vẻ trầm mặc, huyền bí đã khiến chúng tôi lạc bước giữa một trưa hè nắng chói chang.
Vừa đi hết con đường đất rợp hoa bò cạp vàng rực, bước chân vào khu vườn là đã thấy hàng trăm bức tượng đủ các hình dáng, tư thế bày ra trước mắt. Không biển chỉ dẫn, chỉ có nắng chan hòa trên khu vườn tượng rộng mênh mông, khiến chúng tôi ngập ngừng chẳng biết theo hướng nào.
Bức tượng Phật nằm lớn nhất trong vườn Phật.
Nhìn quanh một lượt, chúng tôi cũng như các du khách khác ngay lập tức bị cuốn hút bởi một quả bí ngô khổng lồ với một tượng thần miệng há to đầy hăm dọa. Vẻ dữ tợn của bức tượng chẳng dọa được những kẻ hiếu kỳ chúng tôi mà ngược lại, nó càng làm tăng thêm sự tò mò, phấn khích. Một vài người ngó nghiêng, rồi chui tọt vào trong như thể bị cái miệng đang há hốc ấy nuốt chửng.
Mất vài giây để mắt quen dần với bóng tối trong lòng quả bí ngô, rồi chúng tôi phát hiện ra một cầu thang xoắn ốc lên cao. Lối đi vòng vèo qua các tầng địa ngục, với các bức tượng kỳ quái chập chờn trong ánh sáng le lói hắt vào từ các ô cửa sổ nhỏ dễ làm những người yếu bóng vía giật mình.
Nem nép leo hết cầu thang qua các tầng địa ngục tối tăm, đến bậc cuối cùng bỗng thấy vỡ òa một khoảng không rộng lớn trên đỉnh quả bí ngô với ánh nắng chan hòa và gió lồng lộng thổi. Từ đây có thể ngắm nhìn toàn cảnh vườn Phật. Gọi là vườn Phật, nhưng khu vườn này lại là quần thể tượng Phật pha trộn với Hindu giáo với những vị thần Shiva, Arjuna, Visnu, Rama, Sita...
Khu vườn này gọi theo tiếng Lào là Wat Xiengkuane, là công trình của pháp sư Bounlua Suliat, được thực hiện từ những năm 1950 – 1960, nằm bên dòng Mêkông, cách thủ đô Vientiane của Lào chừng 30km. Những bức tượng bằng ximăng thô ráp, không hề được tô vẽ, mài giũa bóng bẩy. Mưa nắng cùng thời gian đã phủ lên các bức tượng màu rêu phong cũ kỹ, càng làm cho các bức tượng thêm kỳ bí, huyền hoặc.
Tôi không hiểu rõ lắm về Phật giáo và Hindu giáo cũng như các điển tích, huyền thoại của Lào, nên không biết rõ về ý nghĩa tôn giáo của các bức tượng, chỉ thấy các bức tượng đều rất đẹp. Tượng nhỏ cũng cao ngang bằng người thật, còn nhiều tượng lớn gấp 3-4. Đặc biệt, trong vườn có tượng Phật nằm lớn nhất, dài đến 50m. Đường nét, thần thái của các bức tượng đều rất sắc sảo.
Từng nếp áo buông nhẹ nhàng, từng khuôn mặt hiền từ của các nhà sư đi khất thực, từng nụ cười duyên dáng của các vũ nữ, từng ánh mắt uy nghi, dữ tợn của các vị thần..., tất cả đều sống động như thật. Nhiều tượng có những chi tiết đắp nổi rất tỉ mỉ, tinh vi. Và càng khâm phục hơn khi biết rằng pháp sư Bounlua Suliat chưa hề qua một trường lớp nào về điêu khắc hay nghệ thuật tạo hình. Ông đã từng lý giải về vườn tượng của mình là những hình ảnh kỳ lạ đến với ông trong những giấc chiêm bao và trong những cảm nhận về thần linh mà ông ngộ ra được trong đời sống hằng ngày.
Chúng tôi cứ lạc bước giữa vườn Phật giữa trưa nắng chang chang. Nép dưới bóng của một bức tượng Phật, thấy mình được che chở, bình yên. Lúc bước chân rộn ràng như muốn cùng nhảy múa với các vũ nữ duyên dáng. Lúc e dè, rón rén đi ngang qua một vị thần dữ tợn. Phía góc vườn, những cành hoa giấy thắm hồng vắt qua vai, choàng qua cổ những bức tượng Phật với khuôn mặt và nụ cười hiền từ.
Ai đó đã nhặt những cánh hoa giấy rụng rơi đặt vào chiếc bát trên tay những bức tượng nhà sư đi khất thực. Cánh hoa giấy hồng rực nằm lặng yên trong màu xám đen rêu mốc của bức tượng gợi lên cái gì đó thật gần gũi. Tôi cũng cúi nhặt một bông hoa giấy rụng, rồi khẽ khàng đặt cánh hoa mỏng manh ấy vào chiếc bát trên tay bức tượng gần nhất và lòng thấy nhẹ nhàng, thanh thản.
Vườn tượng Wat Xiengkuane là những hình ảnh pha trộn của Hindu giáo, Phật giáo, những thần nhân trong sử thi Ramayana, quần thể tượng Phật và những vị thần Shiva, Arjuna, Visnu, Rama, Sita… Các tác phẩm tượng của Bounlua đều sử dụng chất liệu xi măng, không qua sơn phết hay phủ lên bất kỳ một chất liệu gì khác. Sự thô mộc của chất liệu xi măng qua thời gian đã tạo nên những nét rêu phong, cũ kỹ, thể hiện qua các mảng màu đơn giản như đen, xám của thiên nhiên, của sự bào mòn thời gian càng làm cho thần thái của những bức tượng có thêm vẻ kỳ bí, huyền hoặc.
Mời bạn chiêm ngưỡng một số hình ảnh khác của vườn tượng này
Ngân Hà
(theo lao động)
BÌNH LUẬN