Không trộm cắp là giới thứ hai trong Ngũ giới của nhà Phật. Giới này dễ vi phạm với bất cứ ai nên nó đòi hỏi mọi người đều cẩn thận gìn giữ,...
Không trộm cắp là giới thứ hai trong Ngũ giới của nhà Phật. Giới này dễ vi phạm với bất cứ ai nên nó đòi hỏi mọi người đều cẩn thận gìn giữ, đặc biệt không được tham, sân, si.
Theo giáo lý nhà Phật thì gieo nhân nào gặp quả ấy (ảnh minh họa)
Phật tử quan niệm thế nào là trộm cắp?
Là Phật tử thuần thành, anh Trần Thái Minh (Hải Dương) chia sẻ với PV Kienthuc.net.vnrằng: “Vấn đề trộm cắp có nhiều kiểu khác nhau. Ví dụ như trộm cắp tài sản, thông tin, ý tưởng, công nghệ… Nó tồn tại ở bất kỳ đâu và ở mọi hoàn cảnh.
Trong cuộc sống, con người có thể cố tình hoặc vô tình trộm cắp là điều không thể tránh khỏi. Bởi lẽ bản chất của con người là tham, sân, si và trộm cắp là một hành vi xuất phát từ lòng tham của con người.
Mặc dù trộm cắp là một hành động xấu xa nhưng nếu là con của đức Phật thì mình cũng phải quán chiếu nhân duyên để thấu đạt lí sự. Nghĩa là chú ý tới mục đích của hành vi trộm cắp để đánh giá từng trường hợp cụ thể.
Cùng về giới trộm cắp nhưng Phật tử Trần Văn Tâm (Từ Liêm - Hà Nội) có quan điểm rằng: có ba loại trộm cắp, tồn tại và biểu hiện ở các hình thức khác nhau. Đó là kiểu trộm cắp nhìn thấy; cảm nhận thấy và khó phân biệt cái thấy.
Đối với loại nhìn thấy là loại trộm cắp trực tiếp như trộm cắp hiện vật; thời gian. Còn loại cảm nhận thấy là khi ai đó lấy đi những vật mà họ biết là vật đó không phải của họ và vật đó cũng không thuộc quyền sở hữu của ai cụ thể. Tuy nhiên, họ lại lấy về làm của riêng mình.
Riêng loại thứ ba là loại trộm sống dựa vào sự hiểu biết, trộm đi những giá trị to lớn và đặt vào đó là những khung thước để hợp thức hóa như trộm cắp về ý tưởng, công nghệ.
Trên thực tế hiện nay, nhiều người đã lợi dụng chức vụ để “bòn rút”, mưu đồ chiếm đoạt tài sản và tài nguyên của Quốc gia hoặc công sở dưới mọi hình thức như giấy, bút, gọi điện thoại... Có thể, đối với người thế tục thì cho là không phải trộm cắp nhưng trong nhà Phật là phạm tội “phương tiện trộm cắp”.
Tại sao nhà Phật ngăn cấm việc trộm cắp?
Trong giáo lý nhà Phật thì tất cả mọi sự việc xảy ra trong đời sống đều có quy luật nhân quả. Bất cứ một việc thiện hay ác nào cũng đều có nhân quả báo ứng, tức là gieo nhân nào thì sẽ gặp quả ấy.
Theo đó, bất luận là vì cái gì nếu trộm cắp hoặc do thấy lợi mà bỏ nghĩa, đều là những việc nhơ bẩn và muôn nghìn tội ác. Đức Phật không bao giờ khen ngợi việc này mà ngược lại, đức Phật luôn đưa ra những giáo lý để sách tấn chúng sinh, mong muốn chúng sinh thoát khỏi lối nhơ bẩn này.
Vì thế, hàng Phật tử tại gia nói riêng và tất cả nhân loại nói chung luôn phải vâng lời Phật dạy. Hàng ngày, chúng ta cần phải nghiêm trì giới không trộm cắp này để cho đời sống được thanh tịnh, an lạc và hạnh phúc.
Bởi mỗi hành động của nhân sinh đều theo quy luật nhân quả. Vì lẽ đó, nếu chúng ta không trộm cắp thì sẽ không phải rơi vào cảnh tam ác đạo (Địa ngục, Ngạ quỉ và Súc sinh - PV) và ngược lại. Do vậy, việc răn ngừa tội trộm cắp của đức Phật là một điều trọng yếu, đòi hỏi mỗi người phải tự ý thức việc này.
“Tất cả tài vật, bất luận quý/tiện, trọng/khinh, nhiều/ít, tốt/xấu... đều không được tự tiện lấy làm của mình. Nếu trộm cắp như vậy tức là phạm giới cấm của nhà Phật. Nếu người hành giả trên con đường Bồ Tát Đạo mà trộm cướp đem về cho mình thì đã có nghiệp. Nhân này đương nhiên phải thọ quả khổ” - Pháp sư Thích Diễn Bồi (Trung Quốc) nhận định.
Còn trong một lần thuyết giảng cho đại chúng tại chùa Hoằng Pháp, Thượng tọa trụ trì Thích Chân Tính có lời khuyến tấn với mọi người: “Gian tham có rất nhiều hình thức, là Phật tử chúng ta nên cẩn thận và xử lý kịp thời khi phát hiện.
Không nên làm ngơ hoặc bỏ qua và cho rằng việc nhỏ không đáng. Muốn tránh gian tham, không có phương pháp nào hay hơn là giữ hạnh ngay thẳng và tâm chân thật”
Bùi Hiền theo Kiến Thức
BÌNH LUẬN