Vì Kinh sách Tịnh Độ tông không ghi rõ ngày đản sinh, xuất gia thành đạo của Phật A Di Đà, nên người tu Tịnh Độ chọn ngày sinh của Vĩnh Minh...
Vì Kinh sách Tịnh Độ tông không ghi rõ ngày đản sinh, xuất gia thành đạo của Phật A Di Đà, nên người tu Tịnh Độ chọn ngày sinh của Vĩnh Minh Thọ Thiền Sư là ngày 17 tháng 11 Âm lịch hàng năm cử hành lễ vía, nhớ lại Đức Phật A Di Đà. Vĩnh Minh Thọ Thiền Sư được xem như là hoá thân của Phật A Di Đà.
1. Tịnh độ tông
Tịnh Độ tông hay Tịnh Thổ tông là một tông phái Phật giáo được lưu hành rộng rãi, phổ biến nhất tại Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam. Mục đích của Tịnh Độ tông là tu học nhằm được tái sinh tại Tây phương Cực lạc - Tịnh độ của Phật A Di Đà. Đặc tính của Tịnh Độ tông là lòng tin nhiệt thành vào Phật A Di Đà và sức mạnh cứu độ của Ngài, là vị đã thệ nguyện cứu độ mọi chúng sinh quán tưởng đến mình.
Phép tu của Tịnh Độ tông chủ yếu là niệm danh hiệu Phật A Di Đà và quán tưởng đến thế giới Cực lạc. Phép tu này cũng được nhiều tông phái khác thừa nhận và hành trì.
Mục đích của phép niệm danh hiệu A Di Đà là tìm cách chế ngự tâm. Phép quán niệm này được xem là có thể giúp hành giả "thấy" được A Di Đà và hai vị Bồ Tát tả hữu là Quán Thế Âm, Đại Thế Chí và biết trước được giờ chết của mình.
Phép niệm này có thể thực hiện bằng cách đọc to hay đọc thầm, không nhất thiết phải có tranh tượng A Di Đà. Đó là cách tu thông thường nhất. Ngoài ra hành giả có thể thực hiện phép thứ 16 trong Vô lượng thọ kinh, bằng cách tạo linh ảnh của A Di Đà và thế giới Cực lạc, xem như hiển hiện trước mắt.
Phép tu cao nhất của tông này là tự xem thể tính của mình chính là A Di Đà. Tất cả mọi hành giả của Tịnh độ tông đều mong muốn được thấy A Di Đà trong một linh ảnh, đó là bằng chứng chắc chắn nhất sẽ được tái sinh trong cõi Cực lạc.
Niệm danh hiệu và tạo linh ảnh là điều kiện "bên ngoài", lòng tin kiên cố nơi A Di Đà là điều kiện "bên trong" của phép tu này, với hai điều kiện đó thì hành giả mới được tái sinh nơi cõi Cực lạc.
Nói đến Phật A Di Đà, là người ta nghĩ ngay đến một vị Phật của đại chúng, công đức hoá độ khắp các quốc gia trên khắp thế giới. Mọi thành phần xã hội từ thấp đến cao, không phân biệt giới tính, màu da sắc tộc, ai cũng có thể niệm đến danh hiệu Ngài .
Do đó danh hiệu Ngài như một bài Kinh được truyền tụng phổ thông. Kể cả Thuyền tông chủ trương tự lực, mỗi thời đại vẫn có một số thiền sinh niệm danh hiệu ngài để được minh tâm kiến tính.
2. Ngày vía Đức A Di Đà Phật
Vì Kinh sách Tịnh Độ tông không ghi rõ ngày đản sinh, xuất gia thành đạo của Phật A Di Đà, nên người tu Tịnh Độ chọn ngày sinh của Vĩnh Minh Thọ Thiền Sư là ngày 17 tháng 11 Âm lịch hàng năm cử hành lễ vía, nhớ lại Đức Phật A Di Đà. Vĩnh Minh Thọ Thiền Sư được xem như là hoá thân của Phật A Di Đà.
Theo sách “Đường về cực Lạc”, Ngài sinh vào đời Tống, người Tiền Đường, họ Vương tự Xung Huyền. Thuở thiếu niên thường trì tụng Kinh Pháp Hoa, cảm bầy dê quì mọp nghe Kinh.
Trưởng thành làm quan coi về thuế vụ, nhiều lần lấy tiền công đến Tây Hồ mua cá trạnh phóng sinh. Bị phát giác hình quan thẩm định án tử. Khi áp giải ra pháp trường sắc mặt vẫn bình thản, vì tin rằng do công đức phóng sinh hồi hướng sẽ được sinh Tịnh độ. Nhà vua cảm động tha bổng.
Ngài xin xuất gia, đến Tứ Minh thọ pháp với Tuý Nham Thiền Sư. Ngài tụng Pháp Hoa Sám, thấy Bồ Tát Quan Thế Âm tưới nước cam lồ vào miệng, được biện tài vô ngại. Ngài tu Thiền nhưng rất mến mộ Tịnh, một hôm đến thiền viện của Trí Giả đại sư làm hai lá thăm: Một đề “nhất tâm thiền định”, một đề “Trang nghiêm Tịnh độ”. Sau 7 lần rút thăm đều rút nhằm lá thăm “Trang Nghiêm Tịnh độ”. Từ đó Ngài tận lực tu niệm hoằng hoá pháp môn Tịnh độ.
Về sau Ngài trụ trì chùa Vĩnh Minh, tôn hiệu Trí giác Thiền Sư, ngài trụ ở đây 15 năm, độ được 1700 vị tăng và cư sĩ qui hướng Tịnh độ rất nhiều. Ngài trứ tác tập “Vạn Thiện đồng quy”, chủ ý khuyến tu các pháp lành qui hướng về Tịnh độ.
3. Lịch sử Phật A Di Đà
Theo kinh Bi Hoa, thuở xa xưa vào một đại kiếp gọi là Thiện Trì, cõi nước Tản đề Lam, có một vị Chuyển luân Thánh Vương là Vô Tránh Niệm, thống trị bốn châu thiên hạ: Một là Đông Thắng Thần Châu, hai là Nam Thiện Bộ Châu, ba là Tây Ngưu hoá Châu, bốn là Bắc câu lô Châu. Theo cách nói nay, bốn châu này gồm các nước trên mặt đất, tức là tất cả địa lý nhân sinh trên thế giới (?)
Vua Vô Tránh Niệm có 32 tướng tốt như Phật, dùng pháp hiền thiện minh triết giáo hoá thống trị quốc dân. Người hành Thập thiện được khen thưởng quí trọng, người hành Thập ác bị trừng phạt bằng tiếng sét như sấm trời, loại người ấy ra khỏi cộng đồng sự sống.
Đến khi nhiều người sống thập ác, Vua Vô Tránh Niệm và triều thần quyến thuộc không xuất hiện nữa, vì ngài không nỡ diệt hết bọn xấu, để cho quy luật nhân quả đủ cơ duyên vận hành dạy cho chúng kinh nghiệm.
Theo luận Câu Xá (quyển 12), thời Vua Vô Tránh Niệm xuất hiện tuổi thọ nhân loại cao đến tám vạn tuổi, môi trường sinh thái tinh khiết, đất đai mầu mỡ, cây cỏ xinh tươi, vật chất sung mãn.
Trong triều đình của Vua Vô Tránh Niệm có quan đại thần Bảo Hải, dòng Phạm Chí rất tinh thông Thiên văn học, mến mộ Phật giáo (Bảo Hải là tiền thân Phật Thích Ca) ông có người con trai tướng hảo thông tuệ, khi mới đản sinh được các nhà tôn quí kính tặng nhiều châu báu nên đặt tên là Bảo Tạng.
Bảo Tạng nhận thấy thân tâm thế giới vô thường khổ, nên xin với cha mẹ xuất gia tu Phật. Tu tập tinh chuyên không bao lâu sau tu sĩ Bảo Tạng chứng quả vô thượng chánh đẳng giác thành Phật hiệu Bảo Tạng Như Lai.
Danh thơm tiếng tốt của Phật Bảo Tạng đến tai Vua Vô Tránh Niệm, Vua cũng thỉnh Phật và chư tăng vào vương cung cúng dường trong ba tháng hạ chu đáo.
Lúc bấy giờ quan đại thần Bảo Hải, sau khi nghe pháp chứng thánh quả Tu đà hoàn trở thành cư sĩ Bồ Tát, nhân một buổi thiết triều bàn luận quốc sự xong, tâu với vua Vô Tránh Niệm: “Bệ hạ cúng dường cầu quả phúc nhân thiên mỹ mãn cũng chỉ ở trong tướng vô thường biến đổi như gió thoảng mây tan. Do túc nghiệp tu phúc huệ hữu lậu đời trước nay được quả vị tôn quí không ai sánh kịp, thuận tiện giúp đời khôn sáng, cơm no, áo ấm; nhưng chiều sâu tâm lý bệ hạ và thần dân vẫn bất an vì sanh lão bịnh tử khổ. Chi bằng phát tâm bồ đề, hành Bồ tát đạo Kiến tạo nước Phật thì hạnh phúc cho toàn dân biết mấy!
Vua Vô Tránh Niệm nghe qua đẹp ý, thu xếp việc triều chính, đến vườn Diêm phù đàn cúng dường Phật tăng thính pháp. Đến nơi thấy Bảo Tạng Như Lai nhập định phóng quang sáng suốt, soi rõ mười phương thế giới Tịnh Độ của chư Phật cho chúng hội chiêm bái. Vua Vô Tránh Niệm cũng nhập chúng, xét thấy nhân dân của mình sắc thân không ngời sáng như dân Phật, trí tuệ cũng kém hơn, quốc độ đền đài cung điện thô thiển bằng cây đá chạm trổ, trong khi đó cung điện xứ Phật làm bằng bảy báu lưu ly, xa cừ, xích châu, mã não, san hô, hổ phách v.v. Đặc biệt không có cõi Phật nào có dân nghèo khó, bệnh viện, nghĩa địa.
Chiều đến quan đại thần Bảo Hải từ tạ Vua về dinh thự riêng, Vua Vô Tránh Niệm hồi cung suốt đêm không ngủ hồi tưởng tư duy, suy xét rút tinh tuý các nước Phật làm thành đại nguyện xây dựng nước Phật cho mình. Sáng sớm Vua đến lễ bái Phật Bảo Tạng xin chứng minh đại nguyện Bồ đề, dù trăm ngàn kiếp khổ khó thực hiện quyết không thối chí. Ngài phát 48 lời đại nguyện.
4. Bốn mươi tám Đại nguyện của Đức Phật A Di Đà
1. Giả sử khi tôi thành Phật, nước tôi còn có địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh thì tôi chẳng lấy ngôi chính giác.
2. Giả sử khi tôi thành Phật, hàng thiên nhân nước tôi sau khi mạng chung còn trở lại ba ác đạo thì tôi chẳng lấy ngôi chính giác.
3. Giả sử khi tôi thành Phật, hàng thiên nhân nước tôi chẳng đều thân màu vàng ròng thì tôi chẳng lấy ngôi chính giác.
4. Giả sử khi tôi thành Phật, hàng thiên nhân nước tôi sắc thân chẳng đồng có kẻ xấu người đẹp thì tôi chẳng lấy ngôi chính giác.
5. Giả sử khi tôi thành Phật, hàng thiên nhân nước tôi chẳng biết túc mạng, tối thiểu là biết sự việc trong trăm ngàn ức na do tha kiếp thì tôi chẳng lấy ngôi chính giác.
6. Giả sử khi tôi thành Phật, hàng thiên nhân nước tôi chẳng được thiên nhãn, tối thiểu là thấy trăm ngàn ức na do tha cõi nước chư Phật thì tôi chẳng lấy ngôi chính giác.
7. Giả sử khi tôi thành Phật, hàng thiên nhân nước tôi chẳng được thiên nhĩ, tối thiểu là nghe lời thuyết pháp của trăm ngàn ức na do tha chư Phật và chẳng thọ trì hết, thì tôi chẳng lấy ngôi chính giác.
8. Giả sử khi tôi thành Phật, hàng thiên nhân nước tôi chẳng được tha tâm trí, tối thiểu là biết tâm niệm của chúng sanh trong trăm ngàn ức na do tha cõi nước, thì tôi chẳng lấy ngôi chính giác.
9. Giả sử khi tôi thành Phật, hàng thiên nhân nước tôi chẳng được thần túc, tối thiểu là khoảng một niệm qua đến trăm ngàn ức na do tha nước Phật thì tôi chẳng lấy ngôi chính giác.
10. Giả sử khi tôi thành Phật, hàng thiên nhân nước tôi nếu sinh lòng tưởng nghĩ tham chấp thân thể thì tôi chẳng lấy ngôi chính giác.
11. Giả sử khi tôi thành Phật, hàng thiên nhân ở nước tôi, chẳng an trụ định tụ quyết đến diệt độ thì tôi chẳng lấy ngôi chính giác.
12. Giả sử khi tôi thành Phật, quang minh có hạn lượng, tối thiểu chẳng chiếu đến trăm ngàn ức na do tha cõi nước chư Phật thì tôi chẳng lấy ngôi chính giác.
13. Giả sử khi tôi thành Phật, thọ mạng có hạn lượng, tối thiểu là trăm ngàn ức na do tha kiếp thì tôi chẳng lấy ngôi chính giác.
14. Giả sử khi tôi thành Phật, hàng Thanh Văn trong nước tôi mà có người tính đếm được, nhẫn đến chúng sanh trong cõi Ðại Thiên đều thành bậc Duyên Giác cùng nhau chung tính đếm suốt trăm nghìn kiếp mà biết được số lượng ấy thì tôi chẳng lấy ngôi chính giác.
15. Giả sử khi tôi thành Phật, hàng thiên nhân nước tôi thọ mạng không ai hạn lượng được, trừ họ có bản nguyện dài ngắn tự tại. Nếu chẳng như vậy thì tôi chẳng lấy ngôi chính giác.
16. Giả sử khi tôi thành Phật, hàng thiên nhân nước tôi mà còn nghe danh từ bất thiện thì tôi chẳng lấy ngôi chính giác.
17. Giả sử khi tôi thành Phật, mười phương vô lượng chư Phật chẳng đều ngợi khen xưng tụng danh hiệu của tôi thì tôi chẳng lấy ngôi chính giác.
18. Giả sử khi tôi thành Phật, chúng sinh ở mười phương chí tâm tin ưa muốn sinh về nước tôi nhẫn đến mười niệm, nếu không được sinh thì tôi chẳng lấy ngôi chính giác.
19. Giả sử khi tôi thành Phật, chúng sinh ở mười phương phát tâm Bồ đề tâm, tu các công đức chí tâm phát nguyện muốn sinh về nước tôi. Lúc họ mạng chung, tôi và đại chúng vây quanh hiện ra trước mặt họ. Nếu không như vậy thì tôi chẳng lấy ngôi chính giác.
20. Giả sử khi tôi thành Phật, chúng sinh ở mười phương nghe danh hiệu của tôi, chuyên nhớ nước tôi, trồng những cội công đức, chí tâm hồi hướng muốn sinh về nước tôi mà chẳng được toại nguyện thì tôi chẳng lấy ngôi chính giác.
21. Giả sử khi tôi thành Phật, hàng thiên nhân nước tôi chẳng đều đầy đủ ba mươi hai tướng đại nhân thì tôi chẳng lấy ngôi chính giác.
22. Giả sử khi tôi thành Phật, chúng Bồ Tát ở cõi nước khác sinh về nước tôi rốt ráo tất cả đến bậc nhứt sinh bổ xứ. Trừ người có bản nguyện tự tại hóa độ, vì chúng sinh mà mặc giáp hoằng thệ chứa công đức độ tất cả, đi qua các nước Phật tu hạnh Bồ Tát, cúng dường chư Phật mười phương, khai hóa hằng sa vô lượng chúng sinh khiến họ đứng nơi đạo chính chân vô thượng, vượt hơn công hạnh của hạng tầm thường, hiện tiền tu công đức Phổ Hiền. Nếu không như vậy thì tôi chẳng lấy ngôi chính giác.
23. Giả sử khi tôi thành Phật, Bồ Tát trong nước tôi thừa thần lực Phật đi cúng dường chư Phật, khoảng bữa ăn nếu không đến khắp vô số vô lượng ức na do tha cõi nước thì tôi chẳng lấy ngôi chính giác.
24. Giả sử khi tôi thành Phật, Bồ Tát trong nước tôi ở trước chư Phật hiện công đức mình, nếu những thứ dùng để cúng dường không có đủ theo ý muốn thì tôi chẳng lấy ngôi chính giác.
25. Giả sử khi tôi thành Phật, Bồ Tát trong nước tôi chẳng thể diễn nói nhất thiết trí thì tôi chẳng lấy ngôi chính giác.
26. Giả sử khi tôi thành Phật, Bồ Tát trong nước tôi chẳng được thân Kim Cương Na la diên thì tôi chẳng lấy ngôi chính giác.
27. Giả sử khi tôi thành Phật, hàng thiên nhân và tất cả vạn vật trong nước tôi trang nghiêm thanh tịnh sáng rỡ hình sắc đặc biệt lạ lùng vi tột diệu không ai lường biết được, dầu là có thiên nhãn mà biện biệt được danh số ấy thì tôi chẳng lấy ngôi chính giác.
28. Giả sử khi tôi thành Phật, Bồ Tát trong nước tôi, nhẫn đến người công đức ít nhất mà chẳng thấy biết đạo tràng thọ màu sáng vô lượng cao bốn trăm muôn dặm thì tôi chẳng lấy ngôi chính giác.
29. Giả sử khi tôi thành Phật, Bồ Tát trong nước tôi nếu đọc tụng thọ trì diễn thuyết kinh pháp mà chẳng được trí huệ biện tài thì tôi chẳng lấy ngôi chính giác.
30. Giả sử khi tôi thành Phật, trí huệ biện tài của Bồ tát trong nước tôi mà có hạn lượng thì tôi chẳng lấy ngôi chính giác.
31. Giả sử khi tôi thành Phật, nước tôi thanh tịnh soi thấy tất cả vô lượng vô số bất khả tư nghị thế giới chư Phật mười phương, như gương sáng soi hiện hình gương mặt, nếu không như vậy thì tôi chẳng lấy ngôi chính giác.
32. Giả sử khi tôi thành Phật, từ mặt đất lên đến hư không, những cung điện, lâu đài, ao nước, cây hoa, tất cả vạn vật trong nước tôi đều dùng vô lượng châu báu, trăm ngàn thứ hương hiệp lại làm thành xinh đẹp kỳ lạ hơn hàng thiên nhơn. Hương ấy xông khắp vô lượng thế giới mười phương. Bồ Tát nghe mùi hương ấy đều tu hạnh Phật. Nếu không như vậy thì tôi chẳng lấy ngôi chính giác.
33. Giả sử khi tôi thành Phật, những loài chúng sinh của vô lượng bất tư nghị thế giới mười phương, được quang minh tôi chiếu đến thân, thân họ nhu nhuyến hơn hẳn hàng thiên nhân. Nếu không như vậy thì tôi chẳng lấy ngôi chính giác.
34. Giả sử khi tôi thành Phật, những loài chúng sinh của vô lượng bất tư nghị thế giới mười phương nghe danh hiệu tôi mà chẳng được Bồ Tát vô sinh pháp nhẫn các thâm tổng trì thì tôi chẳng lấy ngôi chính giác.
35. Giả sử khi tôi thành Phật, hàng nữ nhân của vô lượng bất tư nghị thế giới mười phương nghe danh hiệu tôi vui mừng tin ưa phát tâm Bồ đề nhàm ghét thân người nữ, nếu sau khi chết mà họ còn sinh thân người nữ lại thì tôi chẳng lấy ngôi chính giác.
36. Giả sử khi tôi thành Phật, chúng Bồ Tát trong vô lượng bất tư nghì thế giới mười phương thế giới nghe danh hiệu tôi sau khi thọ chung thường tu phạm hạnh đến thành Phật đạo. Nếu không như vậy thì tôi chẳng lấy ngôi chính giác.
37. Giả sử khi tôi thành Phật, hàng thiên nhân trong vô lượng bất tư nghị thế giới mười phương nghe danh hiệu tôi rồi năm vóc gieo xuống đất cúi đầu vái lạy vui mừng tin ưa tu hạnh Bồ Tát thì được chư Thiên và người đời đều kính trọng. Nếu không như vậy thì tôi chẳng lấy ngôi chính giác.
38. Giả sử khi tôi thành Phật, hàng thiên nhân nước tôi muốn được y phục liền tùy nguyện hiện đến, y phục đẹp đúng pháp như Phật khen ngợi tự nhiên mặc trên thân. Nếu còn phải may cắt nhuộm giặt thì tôi chẳng lấy ngôi chính giác.
39. Giả sử khi tôi thành Phật, hàng thiên nhân nước tôi hưởng thọ khoái lạc chẳng như bậc lậu tận Tỳ Kheo thì tôi chẳng lấy ngôi chính giác.
40. Giả sử khi tôi thành Phật, Bồ Tát nước tôi tùy ý muốn thấy vô lượng nước Phật trang nghiêm thanh tịnh mười phương thì liền được toại nguyện, đều được soi thấy ở trong những cây báu, như thấy mặt mình hiện rõ trong gương sáng. Nếu không như vậy thì tôi chẳng lấy ngôi chính giác.
41. Giả sử khi tôi thành Phật, chúng Bồ Tát ở quốc độ phương khác nghe danh hiệu tôi, từ đó đến lúc thành Phật nếu các căn thân còn thiếu xấu chẳng được đầy đủ thì tôi chẳng lấy ngôi chính giác.
42. Giả sử khi tôi thành Phật, chúng Bồ Tát ở quốc độ phương khác nghe danh hiệu tôi thảy đều chứng được thanh tịnh giải thoát tam muội, khoảng một lúc phát ý, cúng dường vô lượng bất khả tư nghị chư Phật Thế Tôn, mà không mất tâm chính định. Nếu không như vậy thì tôi chẳng lấy ngôi chính giác.
43. Giả sử khi tôi thành Phật, chúng Bồ Tát ở quốc độ phương khác nghe danh hiệu tôi, sau lúc thọ chung sinh nhà tôn quý. Nếu không như vậy thì tôi chẳng lấy ngôi chính giác.
44. Giả sử khi tôi thành Phật, chúng Bồ Tát ở quốc độ phương khác nghe danh hiệu tôi vui mừng hớn hở tu hạnh Bồ Tát đầy đủ cội công đức. Nếu không như vậy thì tôi chẳng lấy ngôi chính giác.
45. Giả sử khi tôi thành Phật, chúng Bồ Tát ở quốc độ phương khác nghe danh hiệu tôi thảy đều chứng được phổ đẳng tam muội, an trụ trong tam muội nầy đến lúc thành Phật thường thấy vô lượng bất khả tư nghị tất cả chư Phật. Nếu không như vậy thì tôi chẳng lấy ngôi chính giác.
46. Giả sử khi tôi thành Phật, chúng Bồ Tát ở trong nước tôi tùy chí nguyện của mỗi người muốn được nghe pháp liền tự nhiên được nghe. Nếu không như vậy thì tôi chẳng lấy ngôi chính giác.
47.Giả sử khi tôi thành Phật, chúng Bồ Tát ở quốc độ phương khác nghe danh hiệu tôi mà chẳng liền được đến bực bất thoái chuyển thì tôi chẳng lấy ngôi chính giác.
48.Giả sử khi tôi thành Phật, chúng Bồ Tát ở quốc độ phương khác nghe danh hiệu tôi mà chẳng liền được đệ nhất nhẫn, đệ nhị nhẫn và đệ tam pháp nhẫn, nơi các Phật pháp chẳng liền được bực bất thoái chuyển thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
5. Thọ ký và thành Phật
Đức Bảo Tạng Như Lai và đại chúng lắng nghe Vua Vô Tránh Niệm phát đại nguyện xong hoan hỉ thọ ký:
- “Lành thay Đại vương, ông hãy nhìn qua phương tây, cách nơi đây muôn ngàn trăm ức cõi Phật có một thế giới là Thiện vô cấu thanh tịnh hoàn hảo, giáo chủ cõi ấy hiệu Tôn Âm Vương Như lai hiện đang thuyết pháp. Vị Phật nối pháp đời thứ hai là Bất Khả Tư Nghị công Đức Như lai, đổi hiệu thế giới ấy thành An Dưỡng quốc và Kiến thiết Cực lạc thế giới; Vị Phật ấy là thân sau của ông đấy! –Thời gian còn dài, nay tôi đặt pháp danh cho ông là Vô lượng Thanh Tịnh. Vua Vô Tránh Niệm nghe qua rất mừng, tâm lành phát khởi trí tuệ vô nhiễm vi diệu,
Phật Bảo Tạng mỉm cười cất tiếng Phạm âm:
- “Thiện lai Tỷ Khiêu!” tức thì Vua Vô Tránh Niệm râu tóc rụng hết, áo hoàng bào đổi thành manh áo vá nhiều mảnh của một nhà sư đầu trần chân đất tinh tiến tu học, gọi là Pháp Tạng.
Tỷ khiêu Pháp Tạng thuyết xong 48 điều đại nguyện, cõi đất sáu thứ chấn động. Trời rưới mưa hoa trổi nhạc vui mừng khen ngợi. Trong hư không tiếng chư Phật như hải triều âm vang vọng: “Tỷ khiêu Pháp Tạng quyết thành tựu quả vô thượng chánh giác”.
Từ đó về sau số kiếp nhiều không thể nghĩ bàn, Tỷ khiêu Pháp Tạng thực hành đầy đủ đại nguyện lực ấy, Kiến tạo xong Thế giới Cực lạc, thành Phật hiệu là A Di Đà.
Huệ Minh (biên soạn)
BÌNH LUẬN