"Tôi ngỡ ngàng, hiểu ra rằng đạo Phật không hề mê tín; sách báo và đĩa không hề dạy người ta mê tín, trái lại còn giảng giải cặn kẽ, kh...
"Tôi ngỡ ngàng, hiểu ra rằng đạo Phật không hề mê tín; sách báo và đĩa không hề dạy người ta mê tín, trái lại còn giảng giải cặn kẽ, khuyên mọi người tránh xa mê tín, cõi u mê, khiến con người khổ đau và tăm tối."
---
Câu chuyện từ một bức thư gửi về từ thôn Xuân Lai, xã An Ấp, huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình) cho thấy những nông dân ở đây rất thiết tha với Phật pháp, họ bắt đầu tìm hiểu và tập tu…
"Bố tôi sinh ra và được giáo dục trong một giáo đình có truyền thống Nho giáo. Ảnh hưởng của ông với tôi rất lớn. Sinh thời, ông khuyên chị em tôi : “Đừng bao giờ mê tín, mê tín là khổ đấy các con ạ”.
Thấm nhuần lời cha dạy, tôi khép mình tu tại gia. Sống sao cho hết phận con, tròn đạo vợ, tôi tránh xa mọi việc lễ bái mê tín, kể cả lễ chùa cũng không, bởi tôi không bao giờ tin vào ma quỷ, thần thánh. Tôi cứ nghĩ rằng đi lễ chùa là mê tín. Bởi chùa quê tôi, ngoài lễ Phật, người ta còn xóc thẻ, gọi hồn người chết vào dịp 49 ngày, dâng sao giải hạn, cắt tiền duyên…
Chị Nguyễn Thị Sơn (giữa) tự tìm hiểu đạo Phật qua sách báo Phật giáo
Ngoài thời gian lao động, tranh thủ thời gian rảnh rỗi, tôi xem ti vi thường là những chương trình nông nghiệp. Từ nhỏ, tôi rất ham đọc sách, nhưng Thái Bình quê tôi thư viện huyện thì ở xa, còn điểm bưu điện văn hóa xã thì sách báo nghèo nàn; quanh đi quẩn lại trước đây thì nghe đài, giờ thì xem ti vi. Một nông dân nghèo như tôi thì làm sao dám bỏ tiền mua sách?
Rất may mắn là nhóm các bạn trẻ Không gian đọc – thành lập các điểm đọc sách miễn phí cho các cộng đồng tại nông thôn đã tặng tôi một số sách báo, trong đó có sách, báo, đĩa về đạo Phật, trong đó có khá nhiều báo Giác Ngộ.
Thú thực là tôi đâu có hứng thú với sách, đĩa nói về nhà Phật. Tôi nghĩ rằng, sách báo và đĩa ấy xem chỉ tổ nhiễm duy tâm. Nhưng sự tò mò đã khiến tôi xem và nghe thử sách dạy …mê tín đến mức nào.
Tôi xem. Tôi nghe. Tôi ngỡ ngàng, hiểu ra rằng đạo Phật không hề mê tín; sách báo và đĩa không hề dạy người ta mê tín, trái lại còn giảng giải cặn kẽ, khuyên mọi người tránh xa mê tín, cõi u mê, khiến con người khổ đau và tăm tối.
Càng xem, càng nghe, tôi càng thấy lòng mình rộng mở, thấy đạo Phật chính là tấm gương trong suốt, phản chiếu tất cả những gì vẩn đục của đời tôi.
Nghe bài giảng về “Bảy đặc điểm của đạo Phật” của thượng tọa Thích Nhật Từ (trụ trì chùa Giác Ngộ, quận 10, TP HCM) và đọc cuốn “Bước đầu học Phật” của hòa thượng Thích Thanh Từ, tôi ngộ ra rằng : Những trò mê tín lâu nay tôi vẫn thấy diễn ra nơi cửa thiền như: gọi hồn dịp 49 ngày, cắt tiền duyên, dâng sao giải hạn, xóc thẻ, xem ngày cưới thật cưới giả…chỉ là do những kẻ lợi dụng mượn danh nghĩa đạo Phật làm méo mó, biến dạng con đường vốn sáng ngời của Phật giáo, khác nào cành tầm gửi bám vào làm hại đại thụ mà thôi.
Thấy rằng đạo Phật là chân lý sáng ngời, tôi rất thích nên đã chuyển cho các chị em là nông dân trong xóm cùng xem và ai cũng tâm đắc.
Thay vì xem ti vi giải trí như trước đây, bây giờ chúng tôi cùng nhau đọc sách, xem đĩa các thầy giảng giải, cảm thấy đầu óc sáng láng hơn.
Chị Mơ nói : “Đấy, từ xưa tới nay, chúng ta không biết, cứ nghe người ta lễ bái linh tinh tốn tiền mà chẳng mang lại lợi ích gì. Từ nay, mình nghe lời các thầy giảng, chỉ đi lễ Phật cho tâm mình sáng lại thôi”.
Năm bảy chị em ngồi xem đều gật đầu đồng tình. Chị Hòa ước ao : “Giá như ở quê mình thỉnh thoảng có các thầy giảng như các thầy ở miền Nam thì bận mải mấy chị em ta cũng đi nghe và rủ nhau đi thật đông”.
Chị Liễu tiếp lời : “Được như thế chắc người với người ở quê ta sẽ yêu thương nhau hơn, cuộc đời sẽ bớt sân hận hơn”.
Đúng vậy, cùng với sự đổi mới của đất nước, đạo Phật ở tỉnh Thái Bình cũng như cả nước đang đà hưng thịnh. Chùa ở các làng quê đã và đang được xây dựng, trùng tu tôn tạo to đẹp và trang nghiêm. Phật tử quy y Tam bảo đông hơn. Nhưng vẫn còn một bộ phận không nhỏ dân chúng chưa tin hoặc lung lay lòng tin vào đạo Phật.
Vì đây đó chốn thiền môn vẫn diễn ra các trò mê tín như tôi đã nói ở trên, gây phiền hà, tốn kém tiền bạc, có khi còn làm đảo lộn cuộc sống, tăng thêm nỗi khổ vốn đã trăm bề khốn khó của người nông dân.
Đành rằng đó là tập tục và vẫn là nguyện vọng của người dân, nhưng tôi cứ băn khoăn : tại sao các vị tăng ni trụ trì không giải thích cho dân rằng như vậy là mê tín và khuyên mọi người không nên làm; tại sao không nói cho họ hiểu đó là điều trái với đạo lý nhà Phật. Và giá như các chùa có thêm sách, đĩa Pháp thoại, Pháp đàm để Phật tử đến lễ chùa đọc, xem, lĩnh hội và về giảng lại cho con cháu ở nhà thì thật đáng quí.
Điều này chắc chắn khiến những kẻ buôn thần bán Phật không còn đất dung thân và tất cả mọi người dẫu tận hang cùng ngõ hẻm sẽ nhìn đạo Phật với con mắt trong sáng hơn. Đại thụ Phật giáo sẽ gỡ bỏ được loài tầm gửi xấu xa lâu nay vẫn đeo bám, nỗi oan khiên sẽ được hóa giải. Lúc ấy, chắc chắn hàng ngũ Phật tử sẽ đông hơn bây giờ gấp bội.
Với tôi, thì cảm ơn thiện tâm của các bạn trẻ nhóm Không gian đọc, cảm ơn sư cô Diệu Huệ (chùa Giác Ngộ, quận 10, TP HCM) đã tặng sách, báo, đĩa cho tôi hiểu về đạo Phật.
Cảm ơn các hòa thượng Thích Thanh Từ, thượng tọa Thích Nhật Từ về những bài giảng.
Mặc dù kiến thức về đạo Phật là mênh mông, một người nông dân như tôi chưa đọc được nhiều lắm, nhưng tôi và một số chị em phụ nữ ở thôn quê đã thấy tâm mình sáng hơn; bởi đạo Phật như một ngọn đuốc rực sáng để tôi soi đường qua cõi u mình, trên con đường kiếm tìn chân thiện mỹ.
Là một người tu tại gia, tôi xin quỳ bái vọng đức Phật ở Tây Trúc, xin Người mở lòng từ bi mà đại xá cho những suy nghĩ sai lầm trước đây rằng : đạo Phật là mê tín. Tôi quỳ bái vọng và như nhìn thấy từ chốn xa xôi, đức Thích Ca Mâu Ni nở nụ cười thật hiền hậu."
Nguyễn Thị Sơn (theo Kiến Thức)
BÌNH LUẬN