Mỗi nén nhang là sự tỉ mỉ, thành kính từ bàn tay tài hoa của người nghệ nhân. Từ lâu, nén nhang đã trở thành linh vật thiêng liêng trong ...
Mỗi nén nhang là sự tỉ mỉ, thành kính từ bàn tay tài hoa của người nghệ nhân.
Từ lâu, nén nhang đã trở thành linh vật thiêng liêng trong tín ngưỡng người Việt. Đối với nhiều người Việt, không chỉ ngày lễ, Tết, giỗ chạp, mà ngay khi đi xa về, hoặc khi sắp xuất hành, hay khi gặp niềm vui, sự buồn cũng thắp lên bàn thờ nén nhang để báo với Tiên tổ, cầu may mắn trong cuộc sống và bình an trong tâm hồn.
Đối với người nghệ nhân, mỗi nén nhang tinh hoa được sinh ra chứ không phải được làm ra. Nén nhang được sinh là từ tấm lòng, từ tâm huyết với nghề của người làm nhang. Mỗi nén nhang là một tác phẩm nghệ thuật, là một phần tâm hồn của người nghệ nhân gửi gắm ở trong đó.
Dưới đây là một số hình ảnh tại cơ sở sản xuất nhang truyền thống Phụng Nghi.
Pha trộn thảo mộc
Nguyên liệu làm nhang, hương Bài tốt nhất chỉ có ở Quảng Ninh, trầm hương tốt nhất ở miền Trung Việt Nam, quế tốt nhất ở Yên Bái, hoa hồi Lạng Sơn... Các loại thảo mộc được lựa chọn ra loại tốt nhất, qua đôi bàn tay thủ công khéo léo và tinh nghề của các nghệ nhân để các nén nhang đạt tới sự tinh hoa hoàn hảo.
Khi pha trộn các loại thảo mộc thiên nhiên, số lượng, tỷ trọng, tỷ lệ tương quan giữa các thành phần là tối quan trọng. Mỗi sự tăng giảm dù nhỏ nhất trong tỷ lệ, hay chất lượng thảo mộc cũng sẽ ảnh hưởng đến hương vị nén nhang sau này.
Nghiền thảo mộc thành bột
Công đoạn này tưởng chừng như đơn giản, nhưng lại cần vốn kinh nghiệm lâu năm. Bởi mỗi loại thảo mộc cần độ nghiền nhỏ, to khác nhau.
Nếu nghiền to thì khi thao tác làm nhang sẽ rất khó, còn nghiền nhỏ thì chất lượng thảo mộc không được đảm bảo. Với mỗi loại thảo mộc lại có một kinh nghiệm nghiền riêng. Chỉ có cẩn trọng, tỉ mỉ như vậy thì nén nhang được làm ra mới giữ được trọn vẹn tinh chất thanh khiết của thảo mộc.
Nhồi bột - Ra củ
Người nhồi bột nhang lại càng vất vả vì phải dùng sức mạnh của đôi tay. Phải thật khỏe, thật dai sức mới nhồi cho bột nhang tới được độ dẻo cần thiết. Nếu công đoạn này làm không khéo, nén nhang khi thao tác sẽ bị nứt, vỡ, hoặc sẽ rất khó làm.
Kéo nhĩ - Ra nhĩ
Ở công đoạn này, người nghệ nhân phải khéo léo kéo từ củ bột thành những nhĩ nhỏ để làm nhang vòng và nhang tháp. Còn nhang cây sẽ được vê thủ công riêng.
Nếu sơ ý bột sẽ bị đứt gãy, hoặc nếu nhĩ không được cuốn, uốn cho khéo léo, ngăn nắp, sẽ khó có thể phân biệt đầu hay cuối để thao tác.
Quấn nhang
Khi quấn nhang, cánh tay ai nấy vẫn thoăn thoắt khéo léo, dẻo dai tung hứng những vòng nhang như đang chơi một trò chơi dân gian rất vui mắt. Ai cũng phải có ít nhiều năng khiếu mới làm được.
Nhang vòng được làm thủ công sẽ có hương thơm tự nhiên, giữ nguyên được tinh chất thảo mộc.
Phơi nhang
Nhang muốn cháy đượm và đẹp màu phải làm từ 5h sáng tới 2h chiều để phơi nắng tròn vẹn trong 1 ngày. Nhang truyền thống không bao giờ sấy bằng nhiệt, vì như thế sẽ làm bay mất tinh chất thanh khiết của thảo mộc trong nhang.
Ngày mùa hè thời tiết thuận lợi có thể phơi trong 3 ngày, còn ngày đông thì phải phơi trong ít nhất 10 ngày liên tục.
Trong các loại nhang, nhang Trầm Thăng Long Hà Nội là tinh hoa nhất, có thời gian phơi cũng lâu nhất. Mỗi loại thảo mộc là một hành trong triết lý ngũ hành phương Đông, các loại bột của loại nhang này được pha trộn thành tương sinh theo triết lý đó…
Khâu nhang
Theo quan niệm của người Việt thì 3 sợi chỉ đỏ xuyên suốt tượng trưng cho các bậc thang dẫn đến cõi cực lạc.
Khi khâu nhang cần khâu hết, khâu thẳng, kỵ nhất là khâu nhanh, khâu dối, vì như thế khi cháy nhang sẽ bị rơi, bị lệch so với bát nhang.
Đôi bàn tay lão nghệ nhân 82 tuổi này khi thao tác trên cả mức khéo léo, có gì đó rất tình cảm và điêu luyện khác thường.
Thái Nam
(Theo Trí Thức Trẻ)
BÌNH LUẬN