HỎI: Gia đình tôi là Phật tử thuần thành, hàng ngày mọi người đều thắp hương lễ Phật. Riêng mẹ tôi vì quá bận rộn nên chỉ có thể thắp hươn...
HỎI: Gia đình tôi là Phật tử thuần thành, hàng ngày mọi người đều thắp hương lễ Phật. Riêng mẹ tôi vì quá bận rộn nên chỉ có thể thắp hương lễ Phật trước khi đi ngủ. Do sợ khói lửa vào ban đêm, nên mỗi lần mẹ thắp hương lễ Phật xong rồi mẹ đi ngủ thì tôi vội rút hương trên lư và dập tắt đi. Tôi cũng rất lo không biết hành động ấy có mang tội thất kính với Phật không. Còn một điều nữa, tuy nhà tôi có phòng thờ Phật riêng, nhưng tôi có tôn trí thêm một pho tượng Bồ-tát Quan Âm trên tủ kính ở phòng ăn. Vì cả nhà thường sum họp ở đây nên tôi muốn mọi người dễ dàng nhìn thấy và học tập theo công hạnh của Bồ-tát. Nhưng do gia đình tôi không ăn chay thường, không biết làm như vậy có mang tội thất kính với Bồ-tát không? (THANH NGÂN, thanhngan.vt22@gmail.com)
ĐÁP: Bạn Thanh Ngân thân mến!
Sau khi dâng hương lễ Phật xong, theo lẽ thường thì cứ để hương cháy tự nhiên cho đến khi tắt. Tuy vậy, trong những trường hợp cần thiết thì chúng ta có thể phương tiện rút hương và dập tắt. Vì thế, để đảm bảo an toàn về hỏa hoạn về đêm cho gia đình, trước khi đi ngủ bạn có thể tắt đèn nến, rút hương trên bàn thờ và dập lửa. Việc làm này rõ ràng phát xuất từ sự cẩn thận, đề phòng hỏa hoạn cho gia đình nên không phạm lỗi thất kính với Tam bảo, và do vậy bạn cũng không nên quá lo lắng về hành động này.
Bạn đã tôn trí thêm tôn tượng Bồ-tát Quan Âm ở phòng ăn, nơi cả nhà tập trung ăn uống sum họp thường xuyên, với mong muốn mọi thành viên trong gia đình được chiêm ngưỡng Bồ-tát hàng ngày để học theo công hạnh Ngài, thiết nghĩ cũng là điều hay. Khi phòng ăn nhà bạn chính là “trung tâm” sinh hoạt của gia đình thì nên cần có sự hiện hữu của Bồ-tát để soi sáng, gia hộ cho cả nhà.
Như vậy, ngoài không gian tâm linh (phòng thờ Phật và gia tiên) của gia đình, người con Phật vẫn có thể tôn trí, trưng bày tranh tượng Phật, Bồ-tát một cách trang trọng ở phòng khách, phòng ăn để mọi người có nhiều cơ hội “tiếp xúc” với các Ngài hơn nhằm tự sửa mình mà không hề mang tội bất kính.
Chúc bạn tinh tấn!
Nhiên Như - Quảng Tánh
BÌNH LUẬN